Ôm tiền rời thành phố lớn, các đại gia bất động sản (BĐS) rải về các tỉnh, thành nhỏ. Thế nhưng không ít bài học thất bại từ những dự án đi trước vẫn còn đó…
Dự án chung cư cao cấp Areca Garden tại TP Bắc Giang vừa được mở bán |
Các ông lớn BĐS đua nhau “đánh bắt xa bờ”
Chung cư cao cấp Areca Garden tại TP Bắc Giang vừa được mở bán với giá khoảng 14 triệu đồng/m2. Theo lời quảng cáo rầm rộ, với vị thế đất vàng, đây sẽ là khoản tư vấn đầu tư “1 vốn 4 lời” đầy hấp dẫn (!?).
Báo cáo thị trường BĐS quý II mới đây cho thấy, nguồn cung BĐS tại Hà Nội và TP.HCM đều có dấu hiệu chững lại, thậm chí phân khúc trung cấp còn giảm mạnh. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh lẻ miền Bắc, các dự án BĐS đua nhau tung ra thị trường. Cụ thể, tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), từ đầu năm 2018, hàng loạt dự án được mở bán như: An Phú, Mountain View, Nam Vĩnh Yên… Bắc Giang hiện có 10 dự án được triển khai với những tên tuổi khá nổi như Bách Việt, Kosy… Thị trường Bắc Ninh cũng được được “hâm nóng” với sự xuất hiện của các chủ đầu tư như: Him Lam, Nam Hồng… Tại Thái Nguyên gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự liền kề cũng mới được chào bán. Còn tại Hưng Yên, bên cạnh các nhà đầu tư lớn như: Hòa Phát, TNR…, còn nhiều các doanh nghiệp khác như: Lạc Hồng Phúc, Vạn Thuận Phát… “khuấy động” thị trường.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, đất nền tại các tỉnh miền Bắc được quan tâm từ cuối năm 2016, song đến đầu năm 2018, thị trường thực sự phát triển mạnh mẽ. Tại một số tỉnh phía Bắc xuất hiện hiện tượng sốt đất như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… Hội Môi giới lý giải: Giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức giá cao đã tạo xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh, thành lân cận. Doanh nghiệp dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.
Tương tự, tại miền Nam, các đại gia địa ốc Sài Gòn cũng đua nhau mở rộng địa bàn ra các tỉnh thành gần đó như: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ… Đặc biệt, tại Long An, đầu tháng 3, Công ty Địa ốc Him Lam đã quyết định đầu tư khu kinh tế mở rộng hơn 32.300ha, gồm khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu cảng biển quốc tế... Trước đó, Vingroup xúc tiến đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí với diện tích khoảng 900ha tại huyện Đức Hòa. Một đơn vị khác là Nam Long, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đầu tư một siêu dự án là Waterpoint với quy mô lên đến 381ha. Sacomreal, FLC cũng có kế hoạch đầu tư vào địa phương giáp TP.HCM này.
Khó kỳ vọng tăng giá
Theo các chủ đầu tư, lý do họ ôm tiền rời khỏi Hà Nội và TP.HCM là bởi giá đất đã bị đẩy lên quá cao, những vị trí đắc địa đều đã kín chỗ, cộng thêm quy định thủ tục pháp lý rất chặt chẽ và phức tạp… Do đó, các doanh nghiệp phải mở rộng bán kính xa trung tâm theo các trục hạ tầng được kết nối đồng bộ, để săn tìm quỹ đất lớn hơn, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao về quy hoạch, xây dựng cộng đồng, cảnh quan và mảng xanh. Ngoài ra, tại các tỉnh lẻ cũng có nhiều cơ chế thu hút đầu tư bằng cách ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển dự án với tốc độ ra hàng nhanh, giá sản phẩm cạnh tranh vừa túi tiền…
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lo ngại: Những dự án “đánh bắt xa bờ” rủi ro nhiều, lợi nhuận ít. “Tại các tỉnh lẻ, nhu cầu nhà ở không cao, giá trị đất cũng không lớn nên khó có thể kỳ vọng tăng giá. Đầu tư tại những vị trí này thường không có lãi, nếu có cũng rất ít, thậm chí gặp nhiều rủi ro, thua lỗ”, ông Đực nói.
Là người đã từng chứng kiến rất nhiều bài học thất bại từ các dự án BĐS đầu tư tại tỉnh lẻ trong khoảng chục năm trở lại đây, ông Đực nêu dẫn chứng: Bình Dương đang phải gánh hệ quả phát triển bất động sản quá nóng khi trong thời gian ngắn mở ra hàng chục nghìn đơn vị nhà ở. Điển hình là dự án Thành phố mới Bình Dương được đầu tư trên diện tích hơn 1.000ha, nhiều dãy nhà xây xong hiện đang bỏ hoang không ai mua. Hay tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), một nhà đầu tư Malaysia từng đổ tiền xây 3 block chung cư ở khu vực đắc địa. Khi mở bán đã xây xong 1 block, 2 block khác đang đổ móng nhưng không ai mua, vẫn để hoang suốt bao năm nay. Tương tự tại các dự án khác như Khu đô thị Trung tâm hành chính tỉnh Long An, Khu dân cư Bắc Lê Lợi (TP Quảng Ngãi), chung cư tại Nam Cần Thơ, khu lấn biển Kiên Giang… đều đã rơi vào tình cảnh bết bát.
Trước những lời quảng cáo lợi nhuận cao đối với dự án tại các tỉnh lẻ, ông Đực cho rằng, khách hàng nên thận trọng. “Đối với những nhà đầu tư lướt sóng, ban đầu các dự án tại tỉnh lẻ mới ra mắt có thể có chút lãi nhưng lâu dài sẽ gặp nhiều rủi ro”, vị Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cảnh báo.
Về phía chủ đầu tư, ông Đực cũng chia sẻ: “Trong bối cảnh đất chật, người đông tại trung tâm thành phố lớn, các đại gia nên tập trung đầu tư vào vùng ven thay vì lướt đi các tỉnh lẻ, tránh gặp rủi ro không mong muốn”.
Hoàng Ngân