Một góc của Dự án “Thung lũng Nữ hoàng” bỏ hoang đã hơn 10 năm.
Hơn nữa, nhiều hộ dân về khu tái định cư từ nhiều năm nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đó là thực trạng diễn ra hơn 10 năm qua tại khu Dự án “Thung lũng Nữ hoàng”, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu, thông tin để bạn đọc rõ.
Dự án bỏ hoang nhiều năm
Từ Quốc lộ 6 về trung tâm thành phố Hòa Bình, đoạn qua xã Lâm Sơn là vị trí Dự án sinh thái “Thung lũng Nữ hoàng”. Bước vào cổng, chúng tôi bị bảo vệ khu dự án ra ngăn cản. Được cán bộ xã Lâm Sơn can thiệp, chúng tôi mới được vào khu dự án này.
Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là một khu rừng đồi hoang, um tùm cỏ dại, xen lẫn một vài căn nhà cấp bốn bỏ không, cửa gỗ mục nát. Những căn nhà sàn cổ trong dự án do không có người trông coi nên các thân cột bị mối mọt, trần nhà hiện rõ những lỗ thủng như nắm tay, các vật dụng vứt ngổn ngang. Thấy một vài nhà dân vẫn còn sinh sống trong khu vực, chúng tôi thắc mắc thì cán bộ xã đi cùng cho biết, hiện còn khoảng chục hộ dân không chịu chuyển đi vì không chấp nhận giá đền bù.
Nhà sàn cổ xuống cấp, lãng phí.
Nhà dân bỏ hoang trong khu dự án.
Ngày 21/9/2015, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: Tháng 6/2004, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 1044/QĐ-UB về việc thu hồi 141,7ha đất tại xã Lâm Sơn do Nông trường Cửu Long, Lâm trường Lương Sơn, UBND xã Lâm Sơn và các hộ gia đình quản lý sử dụng, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và du lịch Bạch Đằng thuê thực hiện Dự án Khu du lịch Làng văn hóa các dân tộc Hòa Bình, với thời hạn thuê đất lên tới 50 năm.
Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì khi đang triển khai, dự án lại được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Thung lũng Nữ hoàng tiếp quản để xây dựng dự án khu nghỉ ngơi, giải trí. Từ khi tiếp quản dự án “Thung lũng Nữ hoàng” cho đến nay, chủ đầu tư chỉ mới xây dựng được một tường bao ngăn cách với nghĩa trang dân sinh và mới đây là cổng chào. Trong khi đó, các hạng mục của dự án làng văn hóa như: 10 tòa biệt thự cho thuê, 9 ngôi nhà sàn cổ thì nằm phơi mưa phơi nắng, xuống cấp nghiêm trọng.
Được biết, đã nhiều lần chính quyền địa phương mời chủ đầu tư về làm việc, trả lời những vướng mắc của nhân dân, nhưng đến nay đã hơn 10 năm dự án vẫn "án binh bất động".
>> An Phú Zen Garden - thiên nhiên tran hòa tổ ấm
>> Sắp mở bán Aquabay Ecopark - Cộng đồng sôi động ven sông
>> Sắp mở bán Aquabay Ecopark - Cộng đồng sôi động ven sông
Những hệ lụy cần sớm giải quyết
Lâm Sơn là địa bàn nằm trên trục giao thông chính, địa thế thuận lợi nên được đầu tư xây dựng nhiều khu dự án. Thông thường khi được đầu tư xây dựng các khu dự án thì người dân sẽ được hưởng lợi, nhưng nghịch lý lại đang diễn ra trên địa bàn xã, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những vướng mắc đó là: Vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng chưa tạo được sự đồng thuận; người dân không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đời sống dân sinh hậu dự án còn khó khăn.
Năm 2004, để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thu hồi 141,7ha đất, trong đó 1ha là đất hành lang giao thông, còn lại là đất nông nghiệp, tập trung ở 3 thôn: Lam Sơn, Đoàn Kết, Rổng Vòng.
Ông Nguyễn Thành Thạo, Trưởng thôn Lam Sơn cho biết: Năm 2004, nhà tôi có 7.321m² đất đồi chè thuộc Nông trường Cửu Long. Thời điểm đó tỉnh đền bù cho nông trường được 2.710 đồng/m², sau đó nông trường đền bù lại cho nhà tôi 900 đồng/m². Không đồng ý, gia đình tôi và hàng chục hộ dân khác gửi đơn lên các cơ quan chức năng. Sau đó được tỉnh hỗ trợ thêm 13.000 đồng/m², tổng cộng mỗi hộ dân được hỗ trợ 14.000 đồng/m². Nhưng cho đến nay vẫn còn gần 30 hộ chưa nhận tiền bồi thường, một số hộ chỉ mới nhận 80%, vì lý do giá đền bù quá thấp.
Bà Đỗ Thị Ơn, có chồng là liệt sĩ, tiếp lời: “Gia đình tôi có 2.500m² đất thuộc vùng dự án, nhưng do việc đền bù chưa thỏa đáng nên chúng tôi vẫn sống tại đây. Trong khu dự án không được cơi nới, sửa sang nhà cửa nên cuộc sống cũng rất vất vả. Đất nông nghiệp xung quanh bỏ hoang làm chỗ thả trâu bò, nhưng nếu chúng tôi trồng cây là bị phá bỏ vì đất của dự án”.
Được biết, các hộ dân đã bàn giao đất đến nay cũng đang sống trong cảnh lao đao. Khi bàn giao đất cho dự án, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng hứa hẹn chỉ 6 tháng sau sẽ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới và khi dự án hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho các hộ dân đã mất đất nông nghiệp. Vậy mà, đã hơn 10 năm trôi qua, chưa hộ dân nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn lý giải như sau: “Theo quy định, mỗi hộ tái định cư được 400m² đất, nếu lô đất của hộ nào có diện tích lớn hơn thì phần diện tích thừa ra phải nộp trả phí theo giá đất thổ cư thời điểm hiện tại. Nếu hộ nào ít hơn 400m² thì được đền bù bằng giá thời điểm thu hồi (2004). Cách tính này gây thiệt thòi rất lớn cho các hộ dân, nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá đông các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Chi, cán bộ dự án “Thung lũng Nữ hoàng”: “Hiện nay khu dự án chưa thể hoạt động được vì chưa giải phóng được mặt bằng, các chính sách có nhiều thay đổi. Ngoài ra chưa có hạng mục, công trình nào hoàn thiện...”.
Trước những bất cập nêu trên, mới đây UBND huyện Lương Sơn đã yêu cầu chủ đầu tư Dự án “Thung lũng Nữ hoàng” báo cáo những vướng mắc tồn tại và chỉ đạo các ngành liên quan cùng với xã Lâm Sơn, Ban giải phóng mặt bằng tổ chức cuộc họp cùng bàn hướng giải quyết dứt điểm.
BizLIVE