Chọn mặt bằng kinh doanh là cả một nghệ thuật, nhà đầu tư phải vượt qua nhiều bước tìm kiếm, khảo sát, chọn lọc và tuân thủ những nguyên tắc khắt khe trong đàm phán, thương lượng, soạn thảo hợp đồng mới có thể gặt hái thành công. Ảnh: Vũ Lê.
Tổng giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh chia sẻ 5 bước cơ bản không thể bỏ qua cho những người cần tìm thuê mặt bằng kinh doanh.
Bước một: Nghiên cứu kỹ vị trí, khu vực sẽ thuê mặt bằng. Rất nhiều người đi kinh doanh bắt đầu bằng việc thấy mặt bằng rẻ thì vội ký hợp đồng thuê ngay, sau đó mới thiết lập việc kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến rủi ro lớn.
Lựa chọn khôn ngoan là: “Rẻ chưa đủ - Phải phù hợp”. Người đi thuê mặt bằng thông minh sẵn sàng bỏ 100 triệu đồng thuê một bất động sản nằm ở vị trí có thể đem lại doanh thu tốt chứ không bỏ ra 20 triệu đồng để thuê một điểm kinh doanh có nguy cơ ế ẩm.
Câu hỏi quan trọng nhất cần phải trả lời khi thuê mặt bằng là: Khu vực này có phù hợp? Khách hàng tiềm năng có hiện diện tại khu vực này không? Mức chi trả của họ là bao nhiêu? Không thể đổ hết lý do cho việc kinh doanh thua lỗ là do chọn sai vị trí đặt mặt bằng, nhưng đây là lý do đầu tiên và quan trọng nhất quyết định sự thành bại của mô hình kinh doanh.
Bước hai: Sàng lọc mặt bằng phù hợp. Đây là bước cần phải thu thập rất nhiều thông tin một cách tỉ mỉ và chi tiết qua 3 khâu. Thứ nhất lọc thông tin về nhân khẩu học: khách hàng tại khu vực đó là nam hay nữ, độ tuổi bao nhiêu?
>> Sắp mở bán Aquabay Ecopark - Cộng đồng sôi động ven sông
Thứ hai, lọc thông tin về sản phẩm: họ đang sử dụng những sản phẩm gì tương tự với sản phẩm của bạn? Mức giá mà họ chi trả là bao nhiêu cho từng sản phẩm và mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm đó không? Thứ ba, lọc thông tin về đối thủ cạnh tranh: họ đang bán những sản phẩm gì? Tại sao họ lại bán những sản phẩm như vậy? Số một trong lĩnh vực đang kinh doanh của bạn là ai? Họ có điểm gì nổi bật?
Những câu hỏi này cũng là bài tập mà các chuỗi bán lẻ chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và cả nước ngoài đang làm, còn gọi là khảo sát nghiên cứu thị trường. Nếu nguồn lực hạn chế, nhà đầu tư càng phải dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn này nhằm giảm rủi ro đến mức thấp nhất khi bắt tay vào làm thực tế.
Bước ba: Tìm kiếm và sàng lọc mặt bằng. Ở bước này, người đang cần thuê mặt bằng phải tìm kiếm các thông tin về giao dịch bất động sản (listing) phù hợp với loại hình kinh doanh và ngân sách đang có. Nguồn thu thập thông tin thì rất đa dạng: môi giới, báo chí, các trang web, lái xe trên đường, hỏi trực tiếp chủ nhà... Điểm cần lưu ý nhất trong giai đoạn này là hãy đưa ra những tiêu chí thật cụ thể phù hợp với loại hình kinh doanh của mình để nhanh chóng sàng lọc đi những thông tin không cần thiết.
Các tiêu chí bao gồm: diện tích, số lượng khách, ngân sách, vị trí chiến lược... Hãy mô tả những tiêu chí cụ thể qua bước tính toán phía trên cho nhân viên môi giới để họ có thể tìm nhanh chóng và phù hợp các bất động sản cho bạn. Phải sắp xếp một chuyến đi thực tế tới tất cả các địa điểm đã được sàng lọc để nắm thêm thông tin chi tiết. Nên nhớ: “Hãy dành 80% thời gian để sàng lọc giao dịch, 20% đi xem và thương lượng”. Đừng làm ngược lại vì sẽ tốn thời gian vô ích.
Bước bốn: Giữ kỷ luật khi thương lượng bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các nguyên tắc. Có một nguyên tắc bất di bất dịch trong khi thương lượng là: “Hãy dành thời gian đôi co một chút". Y như chơi kéo co, nếu thắng ngay lập tức, bạn sẽ té nhào. Đừng vội chấp nhận lời chào giá của chủ nhà, chủ đất. Nếu như họ thực sự muốn cho thuê, họ sẽ chấp nhận thương lượng. Chấp nhận sớm sẽ làm cho chủ nhà/chủ đất cảm thấy bị “hớ” và rất có thể họ sẽ ngưng giao dịch đó đột ngột.
Nguyên tắc kế tiếp là thương lượng dựa trên triết lý “Đôi bên cùng thắng”. Người đi thuê mặt bằng sẽ đạt được thứ mà họ thương lượng trên cơ sở hai bên cùng thắng. Nếu kết thúc hợp đồng mà chủ nhà không ký tái tục thì đối với bên đi thuê cũng là sự mất mát do việc kinh doanh đã ổn định, khách đã quen địa điểm và đã có thương hiệu. Nếu chủ mặt bằng không được lợi ích thỏa đáng, họ có thể tìm cách phá rối để lấy lại nhà.
Một nguyên tắc nữa cần lưu ý là tuyệt đối tránh cảm xúc lên quá cao khi chọn mặt bằng. Nếu mặt bằng tốt nhưng vượt quá ngân sách hoặc không phù hợp với tiêu chí kinh doanh, hãy mạnh dạn bỏ qua nó.
Bước năm: Xúc tiến hợp đồng cẩn thận là bước cuối cùng nhưng rất quan trọng. Tất cả những gì sau khi thương lượng phải được phản ánh bằng hợp đồng rõ ràng, chi tiết. Có rất nhiều điểm cần lưu ý khi làm hợp đồng thuê mặt bằng.
Thứ nhất, hợp đồng bắt buộc cần có đủ 7 điểm: giá thuê, diện tích thuê, tiền cọc, thời gian thuê, khoản tăng giá hằng năm, ngày bàn giao nhà đất, tình trạng nhà/đất lúc bàn giao. Thứ hai, bên đưa hợp đồng là bên có lợi. Nếu chủ nhà/chủ đất ngại soạn hợp đồng, bạn hãy giúp đỡ họ làm ngay việc đó.
Thứ ba, nên công chứng hợp đồng, tại bất kỳ phòng công chứng Nhà nước hay phòng công chứng tư nhân nào. Giai đoạn này công chứng viên sẽ xác nhận giúp bạn xem đó có phải là người chủ thật sự của bất động sản đó không.
Thứ tư, thỏa thuận rõ các chi phí liên quan trong hợp đồng: chi phí công chứng, chi phí xây dựng sửa chữa (nếu có), thời gian cho việc sửa chữa... Nếu không am hiểu về pháp lý, hãy nhờ luật sư hoặc những người có kinh nghiệm soạn thảo sẵn mẫu hợp đồng cho bạn.
Nếu không thương lượng được mặt bằng phù hợp, hãy bỏ qua nó, không tiếc nuối. Hãy xem giao dịch bất động sản giống như những chuyến xe buýt, chuyến này qua đi, chuyến khác sẽ đến. Quan trọng là phải luôn sẵn sàng cho chuyến xe buýt kế tiếp.
Theo BizLIVe