Để có thể mua lại được 1 suất ngoại giao tại dự án chung cư CT4 Vimeco, khách hàng sẽ phải trả chênh lệch cho người có suất đó một số tiền 350-500 triệu đồng. Ai là người có suất ngoại giao này?
Các sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội đang rao bán rầm rộ các suất ngoại giao tại dự án CT4 Vimeco do Công ty CP Vimeco làm chủ đầu tư. Hiện, dự án chưa hoàn thành xong phần móng nên chỉ được phép huy động vốn tối đa là 20% số lượng căn hộ, tương ứng 80 căn.
Thế nhưng, trên thực tế việc chủ đầu tư có huy động vốn vượt quá 20% số lượng căn hộ cho phép hay không? Nhóm PV đã lần tìm câu trả lời.
Hợp đồng góp vốn mua căn hộ chung cư CT 4 Vimeco
Cuối năm 2014, bà C.T.K.P (trú tại Thanh Xuân, HN) đã ký hợp đồng góp vốn với công ty CP Vimeco để đầu tư dự án chung cư CT4 Vimeco. Số tiền góp vốn là 745 triệu đồng (tương đương 25% giá bán căn hộ). Tại phụ lục hợp đồng này, bà P sẽ được quyền mua căn hộ ký hiệu CH5A diện tích 123m2, tầng 8, giá bán 24.120.000 đồng/m2, tổng giá trị hợp đồng 2,9 tỷ đồng.
Lần theo số điện thoại của bà C.T.K.P ghi trên hợp đồng góp vốn, PV đã liên lạc được với bà P. Theo xác nhận của bà P thì bà chính là chủ nhân của hợp đồng góp vốn trên. Và, bà Phượng chỉ là người mua lại suất ngoại giao của một cổ đông trước đó. Số tiền chênh bà Phượng đã trả cho người có suất là vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, theo bản danh sách cổ đông góp vốn mua dự án chung cư CT4 Vimeco mà phía Công ty CP Vimeco cung cấp cho phóng viên thì tên của bà C.T.K.P không có trong danh sách. Chiếu theo số hợp đồng góp vốn của bà P thì người đứng tên là 1 người khác.
Được biết, do dự án chung cư CT4 Vimeco chưa đủ điều kiện để bán nên chủ đầu tư chỉ được huy động vốn tối đa 20% số lượng căn hộ không qua sàn. Theo quy định, bản danh sách này phải được gửi lên báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội và phải được sự đồng ý phê duyệt của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhiều tháng nay kể từ thời điểm huy động vốn, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc báo cáo này.
Theo đại diện chủ đầu tư, sở dĩ công ty chưa gửi báo cáo danh sách cổ đông lên Sở Xây dựng là do công ty chưa huy động đủ, vẫn còn thiếu 3 trường hợp nữa. Khi nào huy động đủ 20% số lượng, công ty mới gửi báo cáo và xin ý kiến của Sở Xây dựng.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây đối với trường hợp của bà C.T.K.P, vì sao bà P đã tham gia góp vốn nhưng lại không có tên trong bản danh sách này.
Câu trả lời có thể xảy ra hai trường hợp, trường hợp thứ nhất công ty CP Vimeco đã huy đông quá số lượng 20% do vậy mới dư ra hợp đồng của bà P. Thứ hai, công ty CP Vimeco đã cho các cổ đông tham gia góp vốn chuyển nhượng hợp đồng. Bởi căn cứ số hợp đồng mà bà P đứng tên hiện nay trong bản danh sách cổ đông lại là 1 người khác. Trong khi đó, tại hợp đồng góp vốn lại có quy định điều khoản rõ ràng là bên mua không được phép chuyển nhượng hợp đồng góp vốn trên.
Phóng viên đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng làm rõ việc huy động vốn của chủ đầu tư dự án chung cư Vimeco. Bởi rất có thể chủ đầu tư đã "múa tay trong bị" huy động vượt quá số lượng cho phép mà Sở Xây dựng không thể kiểm soát hết.
Danh tính cổ đông góp vốn
Theo bản danh sách mà phía công ty CP Vimeco cung cấp cho báo chí, những cổ đông tham gia góp vốn vào dự án có rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Tổng công ty CP Vinaconex như ông Thân Thế Hà, ông Lê Doanh Yên, ông Dương Văn Mậu hiện giữ chức Phó tổng giám đốc tổng công ty CP Vinaconex. Trao đổi với PV, ông Thân Thế Hà cũng đã xác nhận với phóng viên, ông có tham gia góp vốn vào dự án này và việc này hoàn toàn đúng pháp luật.
Dự án CT4 Vimeco đang thi công phần móng
Tại đại hội cổ đông thường niên của công ty CP Vimeco vừa được tổ chức tại HN, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty cho biết, công ty đã thực hiện việc huy động vốn tại dự án chung cư CT4 Vimeco và ưu tiên cho những cổ đông hiện hữu của công ty được tham gia góp vốn. Trong đó, phía Tổng công ty Vinaconex chiếm 51% cổ phần, 1 cổ đông khác là công ty An Quý Hưng chiếm 13,5%. Như vậy, nhiều khả năng các suất ngoại giao góp vốn đều là cổ đông nội bộ trong công ty CP Vimeco.
Sau khi có được suất, các cổ đông không có nhu cầu ở đã đem các suất này chào bán ra thị trường với mức chênh "cắt cổ" và lấy tiền đút túi. Nếu cộng cả tiền chênh, giá bán dự án CT4 Vimeco sẽ được xác lập mức mới 27-29 triệu đồng/m2. Thêm nữa, nếu cộng cả 10% thuế VAT, 2% phí bảo trì thì giá bán khoảng 31-33 triệu đồng/m2. Mức giá bán dự án này được cho là không hề thấp khi thời điểm bàn giao nhà kéo dài năm 2018 trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư lại rất yếu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động đầu tư của Vimeco có quy mô khá nhỏ, chỉ khoảng 30,7 tỷ đồng. Số tiền chi chủ yếu cho hoạt động đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định…
Trong khi ấy, tiền lưu chuyển từ hoạt động tài chính lại tăng rất mạnh. Đáng chú ý, trong năm 2013-2014, Vimeco nhận được khoản tiền vay dài hạn và ngắn hạn lần lượt là 417,9 tỷ đồng và 531 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty cũng chi tương ứng tới 489,6 tỷ đồng và 492 tỷ đồng để chi trả nợ gốc vay. Có thể thấy, 2 năm qua, số tiền trả nợ gốc vay của Vimeco lên tới 981,6 tỷ đồng. Hiện, tính đến cuối năm 2014, nợ của Vimeco vào khoảng hơn 800 tỷ trong khi đó, tổng mức đầu tư dự án CT4 Vimeco là 1.226 tỷ đồng. Như vậy, chủ đầu tư đang đứng trước áp lực vừa lo triển khai xây dựng dự án, vừa lo bán hàng và vừa phải lo tiền để trả nợ vay.
Anh Đào (VnMedia) /CafeLand.vn